Hướng dẫn cách đi vào cổng tam quan đúng nhất

Anh chị đã bao giờ nhìn thấy cụm từ “cách đi vào cổng tam quan” và cảm thấy cụm từ này quá đỗi lạ lẫm? Thật ra, trong cuộc sống, đã nhiều khi anh chị nhìn thấy cổng tam quan nhưng không hề hay biết. Hôm nay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về khái niệm cổng tam quan cũng như cách đi vào cổng tam quan nhé.

Cổng tam quan là gì?

Cổng tam quan là một kiến trúc cổ thường bắt gặp tại các công trình kiến trúc cung đình, tháp chùa, cổng làng, nhà từ đường, đền thờ họ.

Về mặt cấu trúc, cổng tam quan là một cổng lớn, thường được gọt đẽo từ các cột đá tự nhiên, có mái, và hai bên lối đi có khắc câu đối. Cổng tam quan được chia thành 3 cửa, gồm một cửa chính nằm kẹp giữa hai cửa phụ. Đây cũng chính là lý do tại sao cổng được gọi là tam quan (Hán tự: 三观), bởi khi dịch ra tiếng Việt, tam nghĩa là số 3, và quan trong trường hợp này mang hàm nghĩa là cổng.

Ngoài ra, cổng tam quan cũng được phân loại dựa trên kiến trúc, chủ yếu là 2 loại:

  • Cổng có gác: Các cổng tam quan nhỏ thường không có gác, nhưng đối với các cổng tam lớn đặt ở những nơi quan trọng, gác sẽ được xây dựng nhằm thể hiện sự bề thế oai vệ, tôn nghiêm. Đa phần các gác được tạo ra để treo chuông, treo khánh hoặc treo trống – là những vật được sử dụng trong nghi lễ đền chùa. Tuy nhiên có một số gác chỉ là gác giả mà thôi, các gác này thường chỉ nhằm mục đích làm kết cấu cổng cao hơn.
Cổng tam quan có gác ở chùa Dận thuộc thành phố Bắc Ninh
Cổng tam quan có gác ở chùa Dận thuộc thành phố Bắc Ninh
  • Cổng có 4 trụ (cổng tứ trụ): Thay vì xây tường hoặc vách, cổng tứ trụ là cổng được tạo bởi 4 trụ chính, với 2 trụ giữa cao hơn 2 trụ nằm ngoài, nhằm tạo cổng chính lớn hơn ở giữa. Nối liền với 4 trụ này là xà, được cách điệu và nằm ở trên cùng.
Cổng tam quan kiểu tứ trụ ở chùa Láng thuộc thành phố Hà Nội
Cổng tam quan kiểu tứ trụ ở chùa Láng thuộc thành phố Hà Nội

Tại sao cổng tam quan lại được chia thành 3 cửa?

Số 3 (Hán tự: 三 – Tam) mang nhiều hàm nghĩa sâu xa đối với văn hóa Việt Nam. Tùy theo góc nhìn mà ý nghĩa của từ “tam” ở đây có thể thay đổi khác nhau. Dưới đây là một số góc nhìn và kiến giải phổ biến nhất về cổng tam quan.

Theo kiến giải dân gian, cổng tam quan có 3 cửa là bởi dựa theo thuyết Tam tài, và cứ theo thuyết này thì số 3 thể hiện sự hài hòa giữa trời đất và nhân sinh.

Thuyết Tam tài thể hiện sự tương quan giữa đất, trời và con người
Thuyết Tam tài thể hiện sự tương quan giữa đất, trời và con người

Xét về triết học, tam quan là quan điểm về thế giới, được chia thành 3 yếu tố trọng yếu:

  • Thế giới quan: Quan điểm của con người đối với thế giới, và quan hệ giữa con người đối với thế giới.
  • Giá trị quan: Quan điểm của con người về giá trị, ý nghĩa một sự vật hay sự việc xảy ra trong đời sống.
  • Nhân sinh quan: Quan điểm của con người về các vấn đề cốt lõi, căn bản của thời đại hiện tại, tức là đối với nhân sinh.
Tam quan trong triết học
Tam quan trong triết học

Đối với Phật giáo, cổng tam quan mang tầm ý nghĩa quan trọng, có khá nhiều lời giải thích đã được đưa ra nói về ý nghĩa của cổng tam quan đã được đưa ra, nhưng tiêu biểu nhất là hai kiến giải sau:

  • Cổng tam quan là hình ảnh ẩn dụ cho 3 quan điểm của Phật giáo: Hữu quan, Không quan và Trung quan:
    • Hữu quan ở đây là biểu trưng của cái có, cái sắc, cái dã.
    • Không quan là biểu trưng của cái không, cái vô thường.
    • Trung quan thể hiện sự trung dung của Hữu quan và Không quan.
  • Cổng tam quan tượng trưng cho “tam giải thoát môn”, nghĩa là 3 cánh cửa cần đi qua nhằm đạt đến niết bàn trong Phật giáo: Vô không, Vô tướng và Vô nguyện:
    • Vô không môn (Không giải thoát môn) ở đây nghĩa là nhìn mọi pháp đều không có tự tính, tạo ra bởi sự hòa hợp trong nhân duyên. Đạt tới cảnh giới Vô không thì người tu hành trở nên tự tại với các pháp.
    • Vô tướng môn (Vô tưởng môn) đạt thành khi người tu hành biết tất cả các pháp đều là không, không có thật tướng. Khi đạt tới cảnh giới Vô tướng thì người tu hành không còn tư tưởng phân biệt và đạt đến tự tại.
    • Vô nguyện môn (Vô tác môn, vô dục môn) đạt thành khi người tu hành biết rõ các pháp đều vô tướng và không còn dục cầu trong toàn cõi. Nhờ đạt đến cảnh giới này mà người tu hành không còn mong cầu, vì không còn mong cầu nên không còn tạo nghiệp sinh tử, từ đó mà không có khổ quá báo và đạt đến tự tại.
Cổng tam quan mang nhiều ý nghĩa lớn lao đối với Phật giáo
Cổng tam quan mang nhiều ý nghĩa lớn lao đối với Phật giáo

Đối với đạo Cao Đài, cổng tam quan đại diện cho 3 chân lý nói đến vận hạn của nhân sinh: Vô thường, Vô ngã, Khổ. Khi đã thấu hiểu 3 chân lý này, người tu hành sẽ nhận ra mọi sự đều là Thường, và tất cả là một vòng luân hồi.

Cách đi vào cổng tam quan ra sao?

Vậy cách đi vào cổng tam quan ra sao? Đối với vua chúa thời xưa, cổng tam quan ở cung đình được tạo ra để phân cấp quan lại. Ở hầu hết các thời đại phong kiến, triều đình thường phân thành hai cánh quan: Quan văn và quan võ, và đứng đầu cả bộ máy chính là các vị vua chúa.

Như vậy, đối với trường hợp này, cách đi vào cổng tam quan sẽ là: Chỉ vua chúa cùng những người mang dòng dõi hoàng thân quốc thích mới được đi cổng chính; đối với cửa phụ sẽ phân thành trái phải, quan văn sẽ đi vào cửa phụ bên trái và quan võ sẽ đi vào cửa phụ bên phải – đây cũng là tượng trưng cho hai cánh hữu tả đắc lực của vua chúa.

Cổng ngọ môn Huế - Biến thể cổng ngũ quan xuất phát từ cổng tam quan
Cổng ngọ môn Huế – Biến thể cổng ngũ quan xuất phát từ cổng tam quan

Ngoài ra, ở các làng, các đình chùa, lăng tẩm,… cổng tam quan còn được xây dựng nhằm tỏ rõ sự kính trọng đối với bậc vua quan. Trong những ngày thường nhật, cách đi vào cổng tam quan sẽ là: Cửa chính bị đóng, chỉ để chừa hai cửa phụ để thường dân đi lại. Chỉ khi diễn ra các sự kiện lễ tết trang trọng thì cửa chính của cổng tam quan mới được mở để vua chúa và quan lại đi vào.

Thời nay, dựa trên phong thủy, người ta xem cửa phụ bên trái là Thanh Long, còn cửa bên phải là Bạch Hổ. Phân cửa trái hay phải sẽ dựa vào góc nhìn từ phía trong cổng hướng ra ngoài. Vì thế, cứ y theo câu “Nhập Thanh Long xuất Bạch Hổ”, khách lữ hành sẽ vào từ cửa bên trái và ra theo cửa bên phải, với ngụ ý đón rước phúc đức theo về.

“Nhập Thanh Long xuất Bạch Hổ” là cách đi vào cổng tam quan thường sử dụng cho chùa chiền nhằm đón rước phước lộc
“Nhập Thanh Long xuất Bạch Hổ” là cách đi vào cổng tam quan thường sử dụng cho chùa chiền nhằm đón rước phước lộc

Tổng kết

Cổng tam quan là một nét văn hóa đặc trưng trong các công trình cổ đại thời phong kiến của nước ta. Không chỉ đặc biệt về vẻ đẹp đậm sắc dân tộc, nét uy nghi sừng sững và sự bền bỉ dẫu trải qua hàng nghìn năm thăng trầm, cổng tam quan còn hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa sâu xa. Đây chính là nét độc đáo văn hóa mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, và chúng ta có nghĩa vụ phải gìn giữ nét đẹp này.

Nguồn: Stoneninhbinh.com