Kiến trúc nghệ thuật·phù điêu đá chùa bút tháp

Chùa Bút Tháp hẳn không còn xa lạ với những ai có đam mê về kiến trúc đặc trưng thời phong kiến, có sở thích về tìm hiểu lịch sử, hoặc quan tâm đến Phật giáo. Ngôi chùa này tọa tại xã Đình Tổ (Thuận Thành – Bắc Ninh). Không chỉ có lối kiến trúc độc đáo thanh nhã, chùa Bút Tháp còn hấp dẫn rất nhiều du khách bởi các phù điêu đá sống động như thật. Hôm nay, kính mời anh chị cùng tìm hiểu và chiêm ngưỡng các phù điêu đá chùa Bút Tháp

Phù điêu đá là gì

Trước khi tìm hiểu về các phù điêu đá chùa Bút Tháp, anh chị sẽ được biết về khái niệm phù điêu. Phù điêu, hay còn được biết đến với tên gọi là chạm nổi, là một kỹ thuật điêu khắc mà trong đó, các yếu tố điêu khắc được gắn kết vào cùng một nền với cùng một chất liệu. Nghệ nhân khắc phù điêu thường sử dụng các phương pháp đắp nổi, khoét lõm, đục đẽo trên chất liệu được sử dụng. Bằng cách phương pháp phù điêu, chạm nổi này, bố cục phức tạp và đòi hỏi tính chi tiết có thể được triển khai gần như toàn bộ, khiến người xem có thể cảm nhận một cách sinh động về không gian mà tác phẩm muốn truyền tải.

Phù điêu đá là bức phù điêu được khắc trên chất liệu đá tảng. Các bức phù điêu đá có thể được bắt gặp nhiều ở kiến trúc cung đình và đặc biệt là chùa chiền.

Phù điêu đá chùa Bút Tháp

Chùa Bút Tháp là một kiến trúc lớn, gồm nhiều đơn nguyên kiến trúc khác nhau: Tam quan, gác chuông, tiền đường, thiêu hương, thượng điện, Tích Thiện am, nhà trung, phủ thờ hậu đường. Ngoài ra, chùa Bút Tháp có một khuôn viên tương đối khép kín, được tạo ra bởi hai dãy hành lang dài bao bọc các kiến trúc đơn nguyên chính yếu.

Tại chùa Bút Tháp, anh chị dễ dàng bắt gặp nhiều phù điêu đá xuất hiện ở gần như mọi nơi trong chùa. Các phù điêu đá này chủ yếu xuất hiện ở các nơi sau:

  • Thiêu hương: Là tòa nhà nối giữa tiền đường và thượng điện. Phía bên phải thiêu hương có các bức phù điêu đá khắc họa hình long phụng với biển đề “Đế đạo long xương”, đối lập, nằm ở bên trái cũng là các bức phù điêu đá mang hình long phụng với biển đề “Hoàng đồ củng cố”. Ở đầu hồi nối với thượng điện có bức hoành phi “Đại hùng bảo điện” thể hiện ngày trùng tu thiêu hương “Dương Hòa bát niên tuế thứ Nhâm Ngọ, mạnh đông cốc đán trùng tu” (Tạm dịch: Ngày lành đầu đông tháng 10 năm 1642 trùng tu) và “Pháp luân thường chuyển”.
  • Thượng điện:  Có đến 26 bức phù điêu đá được chạm nổi trên lan can đá bao bọc xung quanh thềm của tòa Thượng điện. Mỗi bức phù điêu đá này dài 1,2 mét, cao 0,6 mét, dày 0,14 mét. Chủ đề chính của các bức phù điêu đá này là cảnh sinh hoạt ở nông thôn ở đồng bằng miền Bắc Việt Nam.
  • Cầu đá nối giữa tòa Thượng điện và am Tích Thiện: Chiếc cầu vồng làm từ đá xanh này dài 4,1 mét gồm 3 nhịp, chứa 12 bức phù điêu đá trên cả mặt trong và ngoài với chủ đề chính là cảnh vật vùng nông thôn.
  • Tòa tháp Cửu phẩm liên hoa cao 9 tầng nằm giữa Tích Thiện am: Tòa tháp bát giác này chứa 32 bức phù điêu ở các tầng với chủ đề chính là các vị Phật.
  • Tháp Báo Nghiêm: Tòa tháp này được dựng bằng đá xanh, dạng bát giác với 8 cạnh đều nhau, cao 13,05 mét, gồm 5 tầng và một tầng mái. Tại tòa tháp này có chứa 13 bức phù điêu đá tả hình các con thú.

 

Dưới đây là một số hình ảnh về các phù điêu đá chùa Bút Tháp, mời anh chị thưởng thức.

Phù điêu đá chùa Bút Tháp trên cầu đá nối giữa tòa Thượng điện và am Tích Thiện
Phù điêu đá chùa Bút Tháp trên cầu đá nối giữa tòa Thượng điện và am Tích Thiện

Phù điêu đá chùa Bút Tháp trên cây Cửu Phẩm Liên Hoa
Phù điêu đá chùa Bút Tháp trên cây Cửu Phẩm Liên Hoa

Một số phù điêu đá chùa Bút Tháp về con vật, cảnh quan vùng quê, hoa cỏ:

Tổng kết

Chùa Bút Tháp – ngôi chùa cổ xưa trầm kính được xây dựng từ đầu thời Trần – hiện vẫn còn vững vàng đứng trước thời gian, sau gần 8 thế kỷ dài đằng đẵng. Ngôi chùa đã chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử đất Việt, và tự hào thay, trở thành một ngôi chùa tiêu biểu được xếp hạng là Di tích Kiến trúc nghệ thuật vào năm 1962.

Phù điêu đá chùa Bút Tháp không chỉ hấp dẫn ở vẻ đẹp mang hơi thở trang nhã cổ xưa, mà còn bởi sự tỉ mỉ, sự đầu tư và công sức mà nghệ nhân thiết kế đã bỏ ra và bởi ý nghĩa sâu xa tiềm ẩn trong mỗi bức tranh mà phù điêu đá mang lại.

Nguồn: https://stoneninhbinh.com/